Sony Xperia M là dòng điện thoại đang cạnh tranh rất lớn trên thị trường, đặc biệt là NokiaLumia 635 với mức giá 6 triệu đồng, vậy chiếc điện thoại này có gì khác biệt so với các dòng khác?
(Tin tức công nghệ) - Sony Xperia M bán ra thị trường Việt Nam từ tháng 8 với giá ban đầu là 5,5 triệu đồng và hiện được nhà sản xuất giảm còn 5,2 triệu đồng. Đây là smartphone màn hình 4 inch với bộ vi xử lý lõi kép 1GHz, RAM 1GB, camera 5MP, pin dung lượng 1.700 mAh, hỗ trợ NFC và chạy hệ điều hành Android 4.1 Jelly Bean.
Xperia M hiện có 4 lựa chọn màu là đen, trắng, tím và vàng.
Thiết kế
Xperia M là smartphone Android nhỏ gọn với kích cỡ 124 x 62 x 9,3 mm và trọng lượng nhẹ, 115g. Nó là máy giá tầm trung nên có thân máy bằng nhựa chứ không được trang bị các vật liệu kính và khung nhôm cao cấp giống như Xperia Z và Z1. Tuy vậy, thiết kế của máy chia sẻ nhiều chi tiết của Xperia Z, Z1 và có thể coi Xperia M là phiên bản thu nhỏ của chiếc Xperia C chúng tôi có bài đánh giá gần đây.
Tương tự như Xperia C, tấm vỏ nhựa mặt sau của Xperia M có bề mặt mịn, chống bám vân tay tốt và ốp kín toàn bộ các cạnh máy trông như smartphone có thiết kế nguyên khối. Máy cũng cong nhẹ ở giữa thân máy, tạo cảm giác cầm tay rất tốt.
Các chi tiết khác như phím nguồn tròn bằng nhôm, phím chụp ảnh vật lý, các phím âm lượng, giắc âm thanh và cổng microUSB được bố trí trên các cạnh tương tự Xperia C. Các phím này đều nhạy và dễ bấm. Máy cũng có đèn LED nằm trên viền máy phía dưới sẽ nháy sáng khi có cuộc gọi lỡ, tin nhắn đến, tin nhắn chưa đọc và các thông báo. Nhưng khác với Xperia C, chiếc Xperia M chỉ hỗ trợ 1 SIM và là loại SIM nhỏ (micro SIM) phổ biến hiện nay. Bên cạnh khay SIM là khe cắm thẻ nhớ, thành phần rất quan trọng bởi máy chỉ có tổng cộng 4GB bộ nhớ trong và chỉ còn khoảng 2GB dành cho người dùng cài đặt ứng dụng và lưu dữ liệu.
Màn hình
Xperia M sỡ hữu màn hình 4 inch độ phân giải 854 x 480 pixel và đạt mật độ điểm ảnh 245 PPI, mức khá cao với các máy cùng tầm giá. Màn hình của máy không được trang bị các công nghệ cải thiện chất lượng hình ảnh của Sony như Trilluminos hay X-Reality Bravia giống như các máy Xperia cao cấp hơn.
Tuy vậy, chất lượng hiển thị màu sắc khá tốt dù nhiệt màu vẫn hơi ngả xanh (nhiệt màu lạnh) giống như Xperia C. Độ chi tiết trên màn hình ở mức khá, đủ để người dùng xem các loại nội dung trên điện thoại rõ ràng và thoải mái. Độ sáng màn hình cũng thuộc loại tốt, khoảng 412 nits tương đương với độ sáng màn hình trên các máy Nexus 4, LG Optimus G và HTC One X. Với độ sáng này, người dùng thông thường chỉ cần đặt khoảng 70% là đủ dùng ở hầu hết các môi trường sáng, trừ xem ngoài trời.
Thế nhưng, màn hình của Xperia M cũng có một số hạn chế rất đáng chú ý. Góc nhìn màn hình thấp, màu sắc bị mờ nhiều khi nhìn vào màn hình từ các góc khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chơi các game cần nghiêng màn hình để chơi. Tấm kính bảo vệ màn hình cũng bị phản chiếu khá nhiều, nên sử dụng ngoài trời sẽ khó nhìn hơn. Bên cạnh đó, các phím điều khiển cảm ứng cơ bản (Back, Home và Menu) của máy được đặt trên màn hình giống như Nexus 4 nên diện tích hiển thị thực tế sẽ bị nhỏ hơn một chút.
Máy có hai camera 5MP phía sau và 0.3MP phía trước. Chiếc camera 5MP có đèn LED flash trợ sáng, zoom số 4x, tự động lấy nét và có nút chụp ảnh vật lý. Bấm giữ một lúc vào nút chụp ảnh vật lý sẽ mở ứng dụng camera cả khi máy đang ở chế độ khóa màn hình.
Giao diện ứng dụng camera cũng tương tự máy Xperia ra mắt gần đây. Các tùy chỉnh chụp ảnh và quay phim được đưa sang bên trái; bên phải là hai nút quay và chụp cảm ứng cùng xuất hiện để có thể chuyển đổi giữa việc chụp hoặc quay thuận tiện. Máy có nhiều tùy chỉnh về độ phân giải (5, 3 và 2MP), phơi sáng, ISO, tắt bật HDR, đèn flash, hẹn giờ chụp và chụp toàn cảnh.
Trong sử dụng thực tế, tốc độ chụp của Xperia M hơi chậm so với các smartphone hiện nay, do vậy chụp các đối tượng chuyển động như trẻ em sẽ khó có được tấm ảnh đẹp. Khi chụp ở môi trường ngoài trời và trong nhà ánh sáng tốt, ảnh chụp có chất lượng khá tốt, đủ để ngươi dùng tự tin chia sẻ lên mạng xã hội nhất là với các ảnh chụp tĩnh vật. Tuy vậy, khi chụp ở môi trường ánh sáng yếu, ảnh lộ khá nhiều nhiễu và dễ bị mất nét, kể cả bật đèn flash cũng không cải thiện được đáng kể.
Giao diện của máy có 5 màn hình chủ, cho phép thêm và bớt, thậm chí có thể chỉ dùng một màn hình chủ nếu muốn nhưng số lượng màn hình chủ tối đa là 7 màn hình chủ. Từ màn hình khóa, chúng ta có thể mở ngay ứng dụng nhạc và camera. Cùng với việc thay đổi hình nền (wallpaper), Sony cũng đưa vào máy 8 chủ đề (theme) để người dùng thay đổi giao diện cho đỡ nhàm chán.
Ngoài các ứng dụng quen thuộc của Google dành cho các thiết bị Android, Sony cũng đưa vào Xperia M một số ứng dụng riêng của hãng gồm ứng dụng nhạc Walkman với nhiều thiết lập âm thanh mặc định và giao diện đẹp, Sony Select (danh sách ứng dụng Sony lựa chọn đề xuất với người dùng), Sociallife (ứng dụng đọc tin tức tổng hợp và các mạng xã hội), ứng dụng đọc ảnh QR NeoReader và ứng dụng chỉnh sửa video. Xperia M hỗ trợ chuẩn kết nối NFC, DLNA và được cung cấp ứng dụng Throw để chuyển nội dung từ máy sang các thiết bị khác của Sony.
Sony Xperia M không phải là máy hấp dẫn dành cho những người dùng thích nhắn tin. Do màn hình của máy nhỏ nên bàn phím ảo của Xperia M khá hẹp khi cầm máy theo chiều dọc, nên dễ gõ nhầm chữ. Vấn đề này có thể được cải thiện nếu chúng ta quay ngang màn hình để nhắn tin.
Hiệu năng hoạt động
Xperia M sử dụng bộ vi xử lý Qualcomm S4 Plus lõi kép tốc độ 1GHz, nhân đồ họa Adreno 305 và RAM 1GB. Cấu hình này đủ giúp máy đáp ứng được các hoạt động thường trên điện thoại. Máy mở trang web khá nhanh, xem video trực tuyến và chuyển đổi giữa các màn hình chủ tương đối mượt mà. Nó cũng xử lý tốt các game phổ thông như Temple Run, Fruit Ninja và chơi được các game đồ họa nặng hơn như Asphalt 7 nhưng lưu ý là bộ nhớ trong chỉ có 4GB (còn 2GB dành cho người dùng cài đặt ứng dụng và chứa dữ liệu) có thể là vấn đề nếu bạn tải các game dung lượng lớn.
Trong các bài đo hiệu năng thông qua các phần mềm phổ thông, Xperia M đạt điểm ở mức khá, tương đương với chiếc Samsung Galaxy Win. Cụ thể, máy đạt 4470 điểm trên phần mềm Quadrant và 11.459 điểm trên Antutu, hai phần mềm đánh giá hiệu năng tổng thể trên các thiết bị di động.
Về thời gian pin, Xperia M sử dụng viên pin 1.700 mAh. Theo nhà sản xuất, pin của máy có thể gọi điện liên tục 10 giờ 18 phút, xem phim liên tục 9 giờ 42 phút và hoạt động ở chế độ chờ trong 23 ngày. Chúng tôi chưa đủ thời gian để đánh giá kỹ về thời lượng pin của điện thoại này. Theo đánh giá của các trang công nghệ khác như GSMarena, Xperia M có kết quả pin khá tốt, tương đương với thông số của nhà sản xuất công bố. Máy gọi điện thoại liên tục 12,5 giờ, xem phim được 9 giờ 49 phút và lướt web liên tục trong 7 giờ 9 phút mới hết pin. Trong điều kiện giả lập sử dụng thông thường (mỗi ngày lướt web, xem phim và gọi điện 1 tiếng), máy trụ được 51 giờ, tức hơn 2 ngày.
Kết luận
Xperia M là smartphone có thiết kế gọn dàng, dễ cầm và vỏ máy ít bám vân tay. Máy có màn hình độ sắc nét và độ sáng khá cao nhưng góc nhìn hạn chế, ảnh hưởng đến một số hoạt động như chơi các game cần nghiêng màn hình. Cấu hình của Xperia M đáp ứng đủ các nhu cầu thông thường trên điện thoại và có camera chất lượng đủ dùng nếu nhu cầu chủ yếu là chia sẻ hình ảnh lên Facebook hoặc xem trên màn hình của điện thoại.
Điểm hạn chế ở điện thoại này là bộ nhớ trong nhỏ, chỉ có tổng cộng 4GB trong khi nhiều máy cùng tầm giá có bộ nhớ 8GB. Kích cỡ màn hình 4 inch cũng nhỏ hơn khá nhiều so với các máy cùng tầm giá khác, như Galaxy Win (4.7 inch), Lumia 625 (4.7 inch) hay sản phẩm vừa ra gần đây là Huawei Ascend G700 (5 inch).